Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao của CBRE cho biết về bản chất nguyên nhân gây ra sự trầm lắng trên thị trường BĐS năm 2020 hoàn toàn khác với năm 2010. Chính vì vậy, diễn biến thị trường tuy có sự trầm lắng nhưng sẽ không đổ vỡ giống nhau.
"Nếu như thời điểm 2010, thị trường khủng hoảng do nguồn cung - cầu nội tại trên thị trường bị lệnh nhau, dẫn đến BĐS phải giảm giá mạnh thì hiện nay, bối cảnh năm 2020 hoàn toàn khác, thị trường bị tác động bởi yếu tố bên ngoài là dịch bệnh. Chính vì vậy thị trường đang bị kìm hãm và một khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ trên đà hồi phục trở lại.
Đây cũng là nguyên nhân khiến giá BĐS sẽ khó có thể tiếp tục giảm sâu kể cả trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài đến tận cuối năm bởi về bản chất nguồn cung trên thị trường vẫn rất khan hiếm, nguồn cầu vẫn cao. Một khi dịch bệnh đi qua, cung cầu gặp nhau thị trường sẽ phục hồi nhanh, đặc biệt ở những phân khúc có tính sử dụng ngay như phân khúc căn hộ chung cư", bà Dung nhận định.
Vậy hiện tại đã là điểm đáy của thị trường hay chưa? - Trả lời câu hỏi này bà Dung cho biết trên thực tế, ngay cả thời điểm hiện tại nhiều chủ đầu tư đã có những chính sách bán hàng rất tốt, cạnh tranh trên thị trường, đây là những ưu điểm cho nhà đầu tư mua nhà trên thị trường hiện nay.
Đánh giá về mức độ giảm giá trên thị trường hiện nay, bà Dung nhấn mạnh giả sử nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý 2 thì giá sẽ không có nhiều thay đổi. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến cuối quý 3, thị trường sẽ ghi nhận mức giá khoảng 6% trên thị trường sơ cấp.
Cùng quan điểm với bà Dung, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng khẳng định hiện nay thị trường BĐS như một chiếc lò xo bị nén và chỉ chờ thời điểm hết dịch sẽ bật lên mạnh mẽ.
"Tâm lý khách hàng và cả nhà đầu tư đang bị trùng xuống do ảnh hưởng tâm lý từ dịch bệnh. Một khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường sẽ cùng lúc đón nguồn cầu mạnh mẽ cả khách hàng lẫn nhà đầu tư".
"Sau dịch bệnh kết thúc sẽ có làn sóng đầu tư BĐS mới từ Kiều bào khi lượng người về Việt Nam tránh dịch ngày càng tăng. Nguồn lực gần 5 triệu Kiều bào cực kỳ to lớn đối với thị trường BĐS. Chúng ta có thể thấy lượng tiền kiều hối 1 năm Kiều bào gửi về nước theo đường chính thức khoảng 15 tỷ USD, con đường không chính thức cũng tương đương con số này", ông Châu khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho rằng, nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch tốt như hiện nay và vượt qua dịch bệnh sẽ là điểm sáng an toàn dịch tễ lẫn kinh tế, chính trị thu hút các người nước ngoài đến đầu tư, sinh sống và làm việc. Đây sẽ là nguồn cầu cực kỳ lớn cho thị trường BĐS trong thời gian sắp tới.
"Nhiều khả năng thị trường BĐS sẽ có những cú bật dậy mạnh mẽ như thị trường chứng khoán trong vài phiên giao dịch gần đây. Nhà đầu tư đứng ngoài chờ cơ hội rất nhiều, dòng tiền chờ đợi cũng rất lớn, và họ đang chờ thời điểm để tham gia", một nhà đầu tư bất động sản lâu năm trên thị trường cho biết.
Cũng theo góc nhìn từ nhà đầu tư này, thị trường khó khăn sẽ có những nhà đầu tư thứ cấp cắt lỗ, bán tháo sản phẩm. Tuy nhiên, đây là những trường hợp riêng rẽ, nhỏ lẻ không đại diện cho toàn thị trường. Về bản chất, sẽ khó hình thành nên làn sóng giảm giá, cắt lỗ ồ ạt.
Thanh Ngà
Theo Trí thức trẻ