Theo quy hoạch, trong tương lai không gian đô thị mới Nhơn Trạch được chia thành 8 khu vực. Trong đó, có 3 khu vực phát triển công nghiệp, cảng và dịch vụ hậu cần cảng và 1 khu vực bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn.
Khu vực trung tâm gồm các xã Long Tân, Phú Thạnh, Phú Hội và Vĩnh Thanh. Tổng diện tích đất khoảng 2.500ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1.400ha; tổng dân số khoảng 96.800 người. Khu vực này là đô thị nén với chức năng chính: nhà ở, đô thị, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh.
Tỉnh Đồng Nai và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào các dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhóm các đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3, đường vành đai 4... sớm hoàn thành đưa vào khai thác. Như vậy, việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp sẽ nhanh hơn, giảm được nhiều chi phí.
Bên cạnh những dự án giao thông trên, có một dự án đường giao thông khoảng hơn 16km chạy qua địa phận Nhơn Trạch, là trục đường rất quan trọng và là xương sống để phát triển kinh tế xã hội cũng như kết nối Nhơn Trạch với các khu vực khác của Đồng Nai và Bình Dương.
Đó là tuyến đường Tân Vạn - Nhơn Trạch, đây là tuyến đường nằm trong giai đoạn 1 thuộc đường vành đai 3 Tp.HCM, dự án vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề xuất dự án thành phần 2 sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc. Tuyến đường này có kinh phí xây dựng khoảng 6.660 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 có chiều dài khoảng 16,57 km, gồm đoạn 2A và 2B. Trong đó, đoạn 2A (Km0 - Km5+000) dài khoảng 5 km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, có điểm đầu tuyến giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, điểm cuối tuyến giao với Tỉnh lộ 25B.
Đoạn 2B (Km 16+826 - Km28+383) dài khoảng 11,57 km (trong đó chiều dài tuyến thuộc địa phận TP HCM khoảng 9,17 km và địa phận tỉnh Bình Dương khoảng 2,4 km) với điểm đầu tuyến giao với đường Lê Văn Việt, quận 9, TP HCM và kết thúc tại điểm đấu nối với đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.
Theo tiêu chuẩn thiết kế, tuyến đường đạt tốc độ 80 km/h, mặt đường đáp ứng 4 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ với bề rộng nền đường từ 20,5 m - 26 m.
Theo đề xuất, vốn vay ODA Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) với giá trị khoảng 116 triệu USD, tương đương khoảng 2.585,5 tỷ đồng cho chi phí xây dựng, thiết bị, thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và chi phí dự phòng, phần còn lại là vốn của Chính phủ Việt Nam.
Thời gian thực hiện dự án là 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025).
Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án này dự kiến trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, bao gồm cả các dự án dự kiến đề xuất vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong thời gian tới.
Trong kế hoạch phát triển các dự án giao thông trọng điểm kết nối Tp.HCM với các địa phương lân cận, đường vành đai 3 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm hạn chế lưu lượng phương tiện giao thông qua các khu đô thị, góp phần giảm ùn tắc.
Trong đó, đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, hiện VEC đang đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành và Bộ GTVT cũng chuẩn bị đầu tư xây dựng Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 có tổng chiều dài là 34,28 km, Bộ GTVT đang chuẩn bị đầu tư Dự án thành phần 1 (gồm 1A và 1B) với chiều dài 17,71 km. Hiện nay, Dự án thành phần 1A đang chuẩn bị ký Hiệp định vay vốn với Hàn Quốc và hành động trước đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật; Dự án thành phần 1B đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT, hiện đã hoàn thành sơ tuyển nhà đầu tư và đang lập hồ sơ mời thầu nhà đầu tư.
Bình An
Theo Trí thức trẻ