Đó là khẳng định của ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội khi trao đổi với BizLIVE xung quanh việc hàng tỷ USD vốn FDI “đổ” vào thị trường bất động sản của Việt Nam.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam hút 5,9 vốn vốn ngoại đổ vào bất động sản, giúp lĩnh vực này vươn lên vị trí thứ hai về thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Ông có ý kiến thế nào về việc này?
Trong nhiều năm qua, lĩnh vực bất động sản (BĐS) vẫn luôn là một trong những lĩnh vực thu hút vốn FDI hàng đầu tại Việt Nam. Tùy thuộc vào giá trị của khoản đầu tư mà quy mô tác động của hoạt động này lên thị trường có thể khác nhau, nhưng nhìn chung dòng vốn FDI và thị trường BĐS Việt Nam có mối quan hệ tương hỗ: tình hình hoạt động tốt của các phân khúc BĐS thu hút vốn đầu tư nước ngoài; ngược lại, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục thúc đẩy sự phát triển nhanh và mạnh hơn nữa của thị trường BĐS.
Trong nửa đầu năm 2018, ta có thể thấy một số giao dịch đầu tư đáng lưu ý như khoản đầu tư lớn của nhà đầu tư Nhật Bản vào một dự án phức hợp quy mô lớn tại Hà Nội, dự kiến sẽ đem đến nhiều lợi ích cho khu vực dân cư đó tại Hà Nội, tạo cú hích cho thị trường BĐS khu vực này.
Sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS công nghiệp cũng đã và đang thúc đẩy tiến trình và tốc độ phát triển của phân khúc này tại Việt Nam.
BĐS nghỉ dưỡng, nhờ sự phát triển của du lịch cũng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng, vì vậy đang thu hút nhiều giao dịch đầu tư sôi động của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn chung, dòng vốn FDI dồi dào và thị trường BĐS Việt Nam đang có ảnh hưởng rất tích cực đến tất cả các phân khúc, bao gồm nhà ở, thương mại, công nghiệp, nghỉ dưỡng v.v.
Theo ông, tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam?
Xu hướng này là kết quả của nhiều yếu tố: sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam, nhu cầu đầu tư cao hơn của các nhà đầu tư nước ngoài và những yếu tố khuyến khích.
Bản thân thị trường BĐS Việt Nam đã và đang ngày càng chứng tỏ là một kênh đầu tư hấp dẫn, tình hình hoạt động ổn định, phát triển bền vững và lợi suất cao.
Mặt khác, xu hướng toàn cầu hoá đang dần xoá bỏ rào cản giữa các thị trường, tạo ra xu hướng đầu tư xuyên quốc gia trong bối cảnh các nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới để đa dạng hoá danh mục của mình.
Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của những chính sách khuyến khích đầu tư của nhà nước, những yếu tố nền tảng vững mạnh của nền kinh tế Việt Nam, niềm tin của khách hàng vào thị trường, sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản.
Vậy ông đánh giá thế nào về khả năng thu hút nguồn vốn FDI vào bất động sản vào Việt Nam trong thời gian tới?
Chắc chắn thị trường BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng có thể dễ dàng nhận ra tiềm năng của thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư cũng có kỳ vọng tích cực về tương lai của hầu hết các phân khúc BĐS.
Thị trường nhà ở đang dần chuyển hướng tập trung từ phát triển số lượng sang chất lượng. Các chủ đầu tư đã và đang phản hồi tốt hơn trước nhu cầu của khách hàng: mức giá vừa túi tiền hơn, thiết kế và quy hoạch hợp lý hơn. Nguồn cầu duy trì ở mức cao xuất phát từ nhu cầu nhà ở nói chung, việc thu nhập tăng, và sự phát triển của tầng lớp trung lưu.
Thị trường văn phòng đang hoạt động rất tốt tại Hà Nội và TP.HCM và được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong các tháng tới. Trong khi công suất cho thuê đã vượt ngưỡng 90%, dự kiến trong thời gian tới nguồn cung mặt bằng văn phòng mới rất hạn chế. Giá thuê nhiều khả năng sẽ tăng, đặt biệt trong khu vực CBD (trung tâm) – nơi đang có công suất thuê cao nhất. Các khách thuê vì vậy sẽ có xu hướng dịch chuyển từ khu vực này sang các khu vực khác có áp lực giá thuê nhỏ hơn.
Thị trường khách sạn và nghỉ dưỡng thừa hưởng nguồn cầu lớn từ sự phát triển của ngành du lịch. Nguồn cung cũng đang phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, điều này đặt ra bài toán về quản lý và vận hành các sản phẩm cho phân khúc này sao cho hiệu quả.
Thị trường bán lẻ đang có được lợi thế từ nguồn cầu lớn: thu nhập tăng, niềm tin của khách hàng dẫn đến nhu cầu mua sắm lớn, thu hút các đơn vị bán lẻ gia nhập và mở rộng tại Việt Nam.
Tuy vậy, các mặt bằng bán lẻ cần phải được cải thiện và nâng cấp hơn nữa để bắt kịp với những xu hướng và hành vi mua sắm mới và không những cạnh tranh mà còn tận dụng lợi thế của thương mại điện tử và sự phát triển của công nghệ.
Bất động sản công nghiệp và kho vận nhờ dòng vốn FDI dồi dào cũng được kỳ vọng hoạt động tốt trong các tháng tới. Ngoài ra một phân khúc bất động sản mới dự kiến sẽ thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới là lĩnh vực giáo dục.
Việt Nam với cơ cấu dân số trẻ đang đặt ra nhu cầu về giáo dục chất lượng cao ngày càng lớn; tiềm năng này đã và đang được rất nhiều chủ đầu tư bất động sản nhìn nhận ra.
Thị trường BĐS nhìn chung vẫn là một kênh đầu tư an toàn và ổn định, nhờ vậy thu hút được nhiều nhà đầu tư. Hơn nữa, thị trường BĐS Việt Nam đang có lợi thế khi mức lợi suất tiềm năng cao hơn nhiều so với các thị trường đã phát triển lâu dài như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản.
Còn triển vọng về dài hạn của việc này thế nào?
Nếu thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng ổn định và bền vững như hiện nay, tôi tin rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào kênh đầu tư này.
Mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS Việt Nam là có thật. Hằng tuần, chúng tôi vẫn liên tục nhận được những câu hỏi đến từ các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam, hầu hết trong số đó là các nhà đầu tư lần đầu tìm hiểu về thị trường này.
Tuy vậy, cũng phải ghi nhận thị trường BĐS Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề có thể sẽ hạn chế luồng đầu tư quốc tế như sự thiếu minh bạch, cơ sở hạ tầng chưa thực sự hoàn thiện tại các thị trường địa phương nhỏ, hay thực trạng các chủ đầu tư nước ngoài khó có khả năng tiếp cận quỹ đất.
Mặc dù vậy, phải ghi nhận nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong những năm qua đã và đang gỡ bỏ nhiều rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy đã khơi thông dòng vốn FDI.