Khép lại năm 2018, thị trường bất động sản (BĐS) được các chuyên gia nhận định không có biến động lớn bởi những yếu tố liên quan đến thị trường vẫn khá ổn định. Đó là, thị trường BĐS đã vượt qua dự báo về một kịch bản vỡ bong bóng vào cuối năm 2018.
Đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2018, hàng loạt tín hiệu tích cực xuất hiện với tính thanh khoản tại một số phân khúc trở nên sôi động, nguồn vốn vay cho doanh nghiệp địa ốc trở nên đa dạng. Đây là tín hiệu lạc quan để thị trường BĐS năm 2019 phát triển khởi sắc hơn.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư cần quan tâm tới phân khúc nhà ở vừa và nhỏ, có giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn. Bởi đây là phân khúc thị trường đang có nhu cầu rất lớn và là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao, bền vững.
Tăng trưởng khả quan
Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành Xây dựng diễn ra ngày 4/1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: “Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 819 đô thị (tăng 6 đô thị so với năm 2017); tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 78% (tăng 1% so với năm 2016), quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% (tăng 2% so với năm 2017); quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100% (tăng 0,6% so với năm 2017); diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24m2 sàn/người, tăng 0,6m2 sàn/người so với 2017. Đáng chú ý, thị trường BĐS cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Cơ cấu hàng hóa ngày càng đa dạng và được điều chỉnh từng bước hướng tới đáp ứng yêu cầu của nhiều tầng lớp người dân và thị trường”.
Tính đến ngày 20/12/2018, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 22.825 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý I/2013 đã giảm 105.723 tỷ đồng (giảm 82,24%); so với 20/12/2017 giảm 2.557 tỷ đồng (giảm 10,07%); so với 20/10/2018 giảm 150 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2018 các yếu tố “bong bóng” của thị trường BĐS đã không được hình thành. Giá trị thanh khoản từ thị trường thứ cấp thấp hơn 40%; giá trị sản phẩm tăng từ 25 – 30% không xảy ra trên diện rộng; bên cạnh đó là những chính sách thắt chặt và giám sát của Nhà nước về các hoạt động tín dụng BĐS, nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn lớn vào thị trường.
Chưa kể, vốn FDI vào thị trường BĐS vẫn tăng. Tính hết năm 2018, vốn FDI vào Việt Nam là khoảng 22 tỷ USD, trong đó BĐS là 5,6 tỷ USD, đứng thứ nhì khi chiếm hơn 20%. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) cũng cực kỳ sôi động khi có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng vào BĐS khiến dòng vốn chính tài trợ cho các dự án bị giảm mạnh, nhưng lại tạo cơ hội để hút vốn doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cho thấy, thị trường BĐS đang là “miếng bánh ngon” của dòng vốn ngoại, tạo ra sự phát triển vững chắc cho thị trường.
Phân khúc thanh khoản cao chiếm ưu thế
Mặc dù thị trường BĐS trong năm 2018 được đánh giá là tăng trưởng ổn định, nhưng lại có sự “lệch pha” giữa các phân khúc. Theo đó, phân khúc căn hộ cao cấp và căn hộ trung cấp chiếm tới 80% tổng nguồn cung; trong khi đó tại các nước phát triển phân khúc này chiếm tối đa 50%, 50% còn lại thuộc về phân khúc bình dân, ở Việt Nam phân khúc bình dân trong năm 2018 chỉ chiếm khoảng 20% tổng nguồn cung.
Theo ông Stephen Wyatt – Tổng Giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam thì: “Thị trường nhà ở Việt Nam sẽ có sự chuyển đổi sang mô hình phát triển dự án căn hộ từ xu thế thị trường sang phát triển bền vững hơn. Tức là xu hướng chuyển dịch lớn tới các căn hộ dành cho người thu nhập trung bình và thấp, hay nhà ở xã hội. Chính phủ Việt Nam đang hạn chế tài chính cho nhà ở nên nhà đầu tư sẽ chọn lựa thị trường trung cấp nhiều hơn. Các nhà phát triển BĐS, các dự án hiện sẽ tập trung nhiều vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, phục vụ khách hàng có nhu cầu thực về căn hộ thay vì chạy theo xu hướng của nhà đầu tư”.
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: “Trong khi xu hướng đô thị xanh và các tiện ích công cộng tại các dự án BĐS vẫn được ưu tiên, thì các nhà đầu tư sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ vào phân khúc giá rẻ và tầm trung dành cho đối tượng khách hàng có nhu cầu thực”.
Tuy nhiên trên thực tế, loại căn hộ nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, nhất là loại căn hộ cho thuê giá rẻ phù hợp với khả năng tài chính của công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị lại đang thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Riêng phân khúc nhà ở xã hội trong năm 2018 chưa triển khai được nhiều, đang rất chậm do vướng mắc nguồn vốn chính sách.
Do đó, ngoài việc quan tâm đến phát triển các sản phẩm căn hộ cao cấp, các nhà đầu tư cần quan tâm tới phân khúc nhà ở vừa và nhỏ (1 – 2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn) bởi đây là phân khúc thị trường đang có nhu cầu rất lớn và là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao, bền vững.
Cùng với phân khúc bình dân, phân khúc đất nền cũng sẽ là sản phẩm được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các khu vực quy hoạch đô thị mới, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, có giá cả phù hợp. Điều này không chỉ giúp cho thị trường được cân bằng hơn mà còn giảm tình trạng đầu cơ của nhà đầu tư thứ cấp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang hướng đến xu hướng phát triển các thành phố, khu đô thị tích hợp. Các chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, thị trường và cuộc sống hàng ngày của con người. Việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh trên nền tảng số hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra giải pháp cho những vướng mắc tồn tại và giúp Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới.
Theo Báo xây dựng