Thị trường bất động sản 2018: Giao dịch ổn định

Xây dựng) - Trong những tháng đầu năm 2018, nhìn chung thị trường BĐS cả nước về cơ bản vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào, phong phú. Nhu cầu thực chất sử dụng bất động sản (BĐS) ngày càng tăng rõ rệt cho thấy dấu hiệu của thị trường bền vững và phát triển và đã có sự sôi động, lan tỏa trên hầu hết các vùng, miền.


Trong những tháng đầu năm 2018, nhìn chung thị trường BĐS cả nước về cơ bản vẫn ổn định…

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng 6 tháng đầu năm 2018, lượng giao dịch BĐS tại Hà Nội có khoảng 8.650 giao dịch thành công (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017); tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 9.550 giao dịch thành công (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017).

Trong đó tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư có xu hướng tăng nhẹ (khoảng 0,08%) so với quý I/2018 và giảm (khoảng 0,39%) so với cùng kỳ năm 2017. Nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 1,84% so với quý I/2018 và tăng khoảng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017. Tại TP Hồ Chí Minh, giá căn hộ tăng nhẹ (khoảng 1,4%) so với quý I/2018 và tăng 3,43% so với cùng kỳ; Nhà ở riêng lẻ tăng 3,24% so với quý I/2018 và 10,42% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), căn hộ văn phòng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2018, thị trường này có xu hướng chững lại do nguồn cung tăng cao, còn thiếu các quy định pháp lý liên quan đến loại hình BĐS này.

Với lượng giao dịch BĐS ổn định, nên tồn kho BĐS tiếp tục giảm. Tính đến ngày 20/6/2018, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 24.072 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý I/2018 đã giảm 104.476 tỷ đồng (giảm 81,27%); so với thời điểm 20/12/2017 giảm 1.310 tỷ đồng (giảm 5,16%). Tổng dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh BĐS tính đến quý I/2018 là 473.073 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng sốt cục bộ đất nền, giá tăng cao bất bình thường ở một số khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do một số đối tượng lợi dụng chủ trương thành lập các đặc khu, chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư lớn về giao thông để tung tin gây thất thiệt, thổi giá, đầu cơ…

Trong khi đó các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác truyền thông, công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ các dự án đầu tư lớn; kiểm soát chuyển nhượng đất nền chưa chặt chẽ.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, tình hình thị trường BĐS tại các khu vực nêu trên đã ổn định trở lại.

Để tiếp tục kiểm soát ổn định thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đang tiếp tục triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường BĐS.

Đồng thời, thường xuyên, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS theo quy định. Dự kiến trong quý III/2018 sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc triển khai thực hiện tại một số địa phương…