Là “cửa ngõ” Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án đường cao tốc đã và đang được đầu tư thực hiện.
|
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sau 5 năm đưa vào khai thác đã trở nên quá tải. Do đó, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị mở rộng tuyến cao tốc này từ 4 lên 10-12 làn xe. Ảnh: P. Tùng |
Tuy nhiên, hiện nay, đối với dự án đường cao tốc đã đưa vào khai thác đang xảy ra tình trạng quá tải. Trong khi đó, các dự án đang được triển khai, phần lớn lại bị chậm tiến độ.
* Nhiều dự án đường cao tốc gặp khó
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện là tuyến đường cao tốc duy nhất đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào khai thác, tuyến Đường cao tốc này hiện đang rơi vào tình trạng quá tải.
Các tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành là các thành phần trong hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Đồng Nai theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
|
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), năm 2015, tức năm đầu đưa vào khai thác, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây phục vụ gần 10 triệu lượt phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, đến năm 2019, số lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đã đạt khoảng 16,5 triệu lượt. Như vậy, mức tăng trưởng lưu lượng bình quân của tuyến cao tốc này đạt khoảng 10%/năm. Hiện tại, mỗi ngày đêm có 42-45 ngàn lượt phương tiện lưu thông qua cao tốc.
Lượng phương tiện lưu thông tăng nhanh khiến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, nhất là đoạn từ quốc lộ 51 về TP.HCM. Tình trạng kẹt xe diễn ra trầm trọng nhất vào các dịp lễ, tết khi lượng phương tiện lưu thông gia tăng đột biến.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh mới đây đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 4 làn xe như hiện tại lên 10-12 làn xe theo quy hoạch đã được duyệt trước đây.
Bên cạnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án đang được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, hiện dự án này lại đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, khiến tiến độ thực hiện bị chậm trễ.
Trong khi tỉnh Đồng Nai đã cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng cho dự án thì chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) thuộc VEC hiện lại không có vốn để thực hiện thi công.
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc SEPMU cho hay, dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, do thời gian thi công dự án kéo dài, không hoàn thành dự án trong thời gian hiệp định vay vốn nên việc giải ngân vốn cho dự án hiện không thể thực hiện. “Nguồn vốn để thực hiện dự án rất lớn nên chúng tôi cũng không có khả năng tạm ứng để thực hiện. Do đó, vấn đề vốn để thực hiện dự án hiện nay là cực kỳ khó khăn” - ông Lê Mạnh Hùng cho biết.
Ngoài 2 dự án trên, trên địa bàn tỉnh hiện còn có các dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu đang được triển khai thực hiện. Trong số này đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, các dự án còn lại đang trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án này đều đang gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư nên chậm được triển khai thực hiện.
Đơn cử như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, hiện Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chưa bố trí đủ kinh phí để chi trả.
* Đầu tư sớm để tạo động lực phát triển
Đồng Nai là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng, “cửa ngõ” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, nhu cầu về kết nối giao thông, nhất là hệ thống đường cao tốc là rất lớn. Bởi, đường cao tốc giúp cho việc kết nối, vận chuyển hàng hóa trở nên thuận lợi và rút ngắn được thời gian.
Thực tế, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi đi vào hoạt động đã giúp kết nối giao thông, kinh tế các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ, TP.HCM và Tây nguyên. Rút ngắn cự ly và thời gian đi lại giữa TP.HCM và Dầu Giây từ 3 giờ xuống còn 1 giờ, từ TP.HCM đi Phan Thiết chỉ còn 3 giờ thay vì 5 giờ như trước đây, hay từ TP.HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 1,5 giờ, nhanh hơn trước đây 1 giờ. Do đó, theo UBND tỉnh, việc sớm mở rộng, xây dựng mới các tuyến đường cao tốc, hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối sẽ tạo động lực phát triển cho địa phương và cả khu vực phía Nam.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông trục chính kết nối với cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sau này. Do đó việc mở rộng quy mô tuyến cao tốc này sẽ đảm bảo việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khi sân bay Long Thành đi vào khai thác.
Tương tự, các dự án đường cao tốc khác khi được đầu tư xây dựng hoàn thành cũng sẽ giúp Đồng Nai giảm áp lực về quá tải giao thông, tạo sự kết nối với các khu vực kinh tế khác. “Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi hoàn thành xây dựng sẽ giảm được tình trạng kẹt xe, ùn tắc trên quốc lộ 51, tạo tuyến giao thông huyết mạch kết nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cụm cảng nước sâu số 5 Cái Mép - Thị Vải. Trong khi đó, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ giúp kết nối vùng Tây nguyên với sân bay Long Thành” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.