Quốc hội thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1: Tăng tốc triển khai

Ngày 26-11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) giai đoạn 1. Đây là cơ sở để triển khai đầu tư, xây dựng Sân bay Long Thành.

 

Không gian bên trong Cảng hàng không quốc tế Long Thành của phương án hoa sen cách điệu
Không gian bên trong Cảng hàng không quốc tế Long Thành của phương án hoa sen cách điệu
Theo dự kiến, Sân bay Long Thành sẽ được khởi công vào năm 2021. Do đó, Đồng Nai đang gấp rút hoàn thành dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đảm bảo cho việc khởi công dự án đúng tiến độ.

 

* “Chạy đua” giải phóng mặt bằng

Theo quy hoạch, tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án Sân bay Long Thành là khoảng 5 ngàn hécta. Trong đó khu vực ưu tiên GPMB để xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là hơn 1,8 ngàn hécta.

 

Theo Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Nghị quyết quy định điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050 hécta thành 570 hécta dành riêng cho quốc phòng và 480 hécta cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng. Bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào dự án: tuyến số 1 nối với quốc lộ 51, tuyến số 2 nối với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

 

Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh cho biết, trong khu vực ưu tiên GPMB có gần 1,3 ngàn hécta đất của Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty cao su Đồng Nai và hơn 500 hécta đất của các hộ gia đình, cá nhân. Đến thời điểm này, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Long Thành và các đơn vị liên quan đã đo đạc, kiểm đếm được 654 trường hợp và 232 thửa đất vắng chủ tương ứng với diện tích hơn 480 hécta. Hiện vẫn còn 255 trường hợp chưa kiểm đếm và hơn 1,3 ngàn thửa đất chưa xác định được chủ sử dụng đất.

Đối với khu vực hơn 3 ngàn hécta còn lại, hiện nay các đơn vị đo đạc đã bàn giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Long Thành hơn 3,4 ngàn hồ sơ kỹ thuật.

Song song với việc thực hiện đo đạc, kiểm đếm, hiện nay việc xác minh nguồn gốc đất để hoàn thành hồ sơ đền bù cho người dân cũng đang được UBND huyện Long Thành gấp rút thực hiện. Ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay, hiện nay, địa phương đã nhận được hơn 3,4 ngàn hồ sơ kỹ thuật. Số hồ sơ này hiện đã được chuyển cho UBND xã Bình Sơn xác minh nguồn gốc đất. “Việc xác định nguồn gốc đất đối với phần diện tích thuộc khu vực ưu tiên GPMB sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2019. Trong quý I-2020, địa phương sẽ hoàn thành việc xác minh nguồn gốc đất đối với toàn bộ diện tích xây dựng Sân bay Long Thành” - ông Lê Văn Tiếp cho biết.

Cũng theo ông Lê Văn Tiếp, hiện UBND huyện Long Thành đã phê duyệt các hồ sơ mời thầu xác định giá đất để hoàn tất phương án bồi thường. Vào giữa tháng 12 tới huyện sẽ tổ chức đấu thầu, chấm thầu các gói thầu và cuối tháng 12 sẽ ký hợp đồng với các đơn vị trúng thầu để thẩm định giá đất.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, công tác GPMB đối với dự án Sân bay Long Thành sẽ không phân chia theo giai đoạn mà phải thực hiện liên tục để đảm bảo tiến độ. Trong đó, phải làm nhanh, làm trước đối với khu vực ưu tiên GPMB. “Phải làm liên tục, không phân chia giai đoạn. Không có chuyện làm xong giai đoạn 1 thì nghỉ ngơi hay chờ đợi rồi mới làm tiếp giai đoạn 2” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải trình UBND tỉnh phương án bồi thường đối với diện tích đất của 17 cơ quan, tổ chức vào giữa tháng 12 tới để thực hiện chi trả tiền bồi thường trong năm 2019. “Cùng với chi trả tiền bồi thường cũng phải tiến hành bàn giao đất trên thực địa đối với các cơ quan, tổ chức này để họ đo vẽ, thiết kế và triển khai xây dựng cơ sở mới. Đảm bảo làm sao cho người dân khi đến sinh sống tại các khu tái định cư thì dự án có đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng, kể cả tôn giáo để người dân tham gia sinh hoạt” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu.

* Nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu tái định cư

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB phục vụ xây dựng Sân bay Long Thành, hiện nay, Đồng Nai cũng đang gấp rút triển khai các thủ tục xây dựng hạ tầng các khu tái định cư cho người dân nằm trong diện di dời, giải tỏa.

Để phục vụ cho dự án xây dựng Sân bay Long Thành, sẽ có khoảng 5 ngàn hộ dân bị giải tỏa. Do đó, UBND tỉnh đã quy hoạch xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (diện tích hơn 280 hécta) và Bình Sơn (diện tích hơn 80 hécta).

Đối với giai đoạn 1 của dự án Sân bay Long Thành, có gần 300 hộ dân nằm trong diện di dời, giải tỏa cần bố trí tái định cư. Những hộ dân này sẽ được bố trí vào sinh sống ở Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Dự kiến, đầu quý III-2020, các hộ dân nằm trong diện di dời, giải tỏa để phục vụ xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ nhận đất và xây dựng nhà cửa tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Chính vì vậy, việc hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống của người dân được UBND tỉnh yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ.


 

Đồ họa thể hiện các khu tái định cư và nhu cầu giải quyết việc làm của người dân vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện các khu tái định cư và nhu cầu giải quyết việc làm của người dân vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư 2 khu tái định cư) cho biết, đối với Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có 5 hạng mục cần được đầu tư xây dựng gấp gồm 4 tuyến đường ưu tiên và hệ thống thoát nước ngoài ranh khu tái định cư. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang hoàn thiện các hồ sơ thầu đối với các hạng mục này. Theo đó, vào đầu tháng 12 tới, đơn vị sẽ phát hồ sơ mời thầu và tiến hành chấm thầu vào gần cuối tháng
12-2019. “Để rút ngắn thời gian, các gói thầu này sẽ được đấu thầu qua mạng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh sẽ cố gắng khởi công 5 gói thầu của 5 hạng mục này vào cuối năm 2019” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, việc đấu thầu qua mạng vừa rút ngắn thời gian, vừa đảm bảo tính minh bạch. Do đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cần cố gắng triển khai đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu xây dựng hạ tầng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Riêng các sở, ngành cần phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh trong quá trình thẩm định hồ sơ mời thầu để đơn vị này có cơ sở mở thầu. “Các công trình hạ tầng khác trong khu tái định cư cũng phải được xây dựng nhanh. Phần diện tích đất dành cho mục đích thương mại dịch vụ trong khu tái định cư cũng đấu giá nhanh để nhà đầu tư tiến hành xây dựng. Phải xây dựng đồng bộ để người dân khi đến sinh sống được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

* Lo việc làm cho người dân

Ngoài công tác tái định cư, việc hỗ trợ, cho vay vốn đào tạo nghề cho người dân vùng dự án cũng đang được Đồng Nai tính toán thực hiện. Mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo nghề nghiệp để người dân thuộc diện di dời, giải tỏa dự án Sân bay Long Thành ổn định cuộc sống.

Theo khảo sát, số lượng người dân trong vùng dự án có nhu cầu đào tạo nghề là hơn 1,3 ngàn người. Trong số này có khoảng 400 người có nhu cầu đào tạo nghề với thời gian dưới 3 tháng; gần 900 người có nhu cầu học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và gần 60 người có nhu cầu học nghề khác. Cùng với đó, có gần 700 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ở các quốc gia như: Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản…

Số lượng người có nhu cầu vay vốn để học nghề, tự tạo việc làm và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hơn 2 ngàn người.

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho hay, thời gian qua, Sở đã lồng ghép tìm việc cho người dân trong vùng dự án trong quá trình điều tra, khảo sát nhu cầu thông qua các tổ chức giới thiệu việc làm, các sàn giao dịch việc làm. Ngoài ra, Sở cũng đã xây dựng các phương án phối hợp với các trường để đào tạo nghề cho người dân. “Tất cả các công việc đều có trong phương án của Sở từ đào tạo đến vay vốn học nghề cho người dân vùng dự án và Sở vẫn đang tiến hành thực hiện” - ông Phạm Văn Cộng cho biết.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu, sau khi điều tra xong nhu cầu việc làm của người dân, Sở Lao động - thương binh và xã hội phải có các phương án cụ thể để giải quyết các nhu cầu. “Có bao nhiêu người cần học nghề, nghề gì thì phải liên hệ với các trường để giải quyết cho người dân. Bao nhiêu người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thì phải làm việc với các công ty giới thiệu việc làm, mời họ xuống làm việc trực tiếp. Vay vốn cũng vậy, có bao nhiêu người cần vay, nguồn vốn ở đâu phải lập danh sách cụ thể” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đề nghị.