Kiến nghị tăng diện tích giai đoạn 1 sân bay Long Thành lên 1.810 ha

Hội đồng thẩm định nhà nước đồng tình với toàn bộ kiến nghị được nêu tại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Sáng 14/10, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể, thẩm tra báo cáo nói trên.

Chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Nhà thầu lập báo cáo là Liên danh JFV (Liên danh Nhật – Pháp - Việt Nam) gồm các thành viên: Japan Airport Consultants, Inc. (JAC), ADP Ingeniere (ADPi), Nippon Koei Co., Ltd (NK), Oriental Consultants Global., Ltd (OCG), Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).

Sau khi phân tích sự cần thiết đầu tư, mục tiêu và quy mô đầu tư cho đến đánh giá tác động... báo cáo nghiên cứu khả thi khằng định Việc đầu tư xây dựng giai đoạn 1 và đưa sân bay Long Thành vào khai thác năm 2025 là thực sự cần thiết và cấp bách.

Báo cáo cũng nêu rõ, dự án được phân tích tài chính kinh tế phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Kết quả phân tích tài chính cho thấy dự án có tính khả thi về mặt kinh tế, tài chính và kỹ thuật. ACV, tư vấn kiến nghị cấp thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Quốc hội sớm thông qua dự án Cảng hàng không quốc tế  Long Thành giai đoạn 1 để triển khai công tác đầu tư xây dựng.

Kiến nghị tăng diện tích giai đoạn 1 sân bay Long Thành lên 1.810 ha - Ảnh 1.

Phối cảnh đài kiểm soát không lưu - Ảnh từ báo cáo nghiên cứu khả thi.

ACV kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua một số nội dung chính của báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó có một số nội dung đã được điều chỉnh, làm rõ so với chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết 94/2015/QH13.

Cụ thể, về hình thức đầu tư, đối với hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): giao ACV là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.

Đối với hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Đối với hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không) giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Đối với hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): giao nhà đầu tư, khai thác cảng (ACV) hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

ACV cũng kiến nghị điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha; điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng. Đồng ý cho sử dụng 722 ha đất của giai đoạn 2 dùng để lưu trữ khoảng 28.5 triệu m3 đất dôi dư khi san lấp giai đoạn 1 để sử dụng cho giai đoạn 2.

Về lý do nêu kiến nghị này, ACV cho biết, tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, diện tích đất để đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 dự kiến khoảng 1.165 ha. Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Tư vấn đã kiến nghị mở rộng phạm vi xây dựng giai đoạn 1 lên 1.810 ha để xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 của Cảng.

Như, kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống công trình dẫn đường hàng không, khu vực điện năng lượng mặt trời, khu diễn tập phòng cháy, chữa cháy, các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước...

Đồng thời, Tư vấn đề nghị bổ sung diện tích phần san lấp mặt bằng cho đường cất hạ cánh song song (theo cấu hình đóng) và đường lăn kèm theo nhằm đảm bảo thuận lợi cho quá trình xây dựng đường cất hạ cánh này trong các giai đoạn tiếp theo (nếu không san lấp mặt bằng trước, khi triển khai xây dựng đường cất hạ cánh này sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác Dự án giai đoạn 1 vì không có đường vào để thi công).

Việc đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất dùng cho Dự án (5.000 ha) đã được Quốc hội thông qua, theo ACV.

Kiến nghị thứ ba là bổ sung hai tuyến giao thông kết nối số 01, 02, bao gồm 3 nút giao (giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp).

Cả ba kiến nghị này đều được Hội đồng thẩm định nhà nước kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu các kiến nghị này với phân tích cụ thể hơn.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào giữa năm 2015 .

Tổng mức đầu tư: khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Mục tiêu đặt ra là xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Các hạng mục của dự án được đầu tư xây dựng để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.