Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Xây dựng chính sách giải phóng mặt bằng 2 tuyến đường kết nối

Theo quy hoạch, sắp tới sẽ có 2 tuyến đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) được đầu tư xây dựng.

 

Đường số 2 sẽ kết nối Sân bay Long Thành với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây Trong ảnh: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng
Đường số 2 sẽ kết nối Sân bay Long Thành với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây Trong ảnh: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng

Do đó, hiện các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai xây dựng khung chính sách phục vụ cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng 2 tuyến đường kết nối.

* Đề xuất áp dụng chung khung chính sách bồi thường

Hai tuyến đường huyết mạch kết nối với dự án sân bay bao gồm tuyến đường số 1 nối từ quốc lộ 51 vào đến Sân bay Long Thành và tuyến số 2 bắt đầu từ đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, kết nối trực tiếp vào tuyến số 1 (song song với quốc lộ 51, trùng với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu). Đây là 2 tuyến đường khá quan trọng của dự án, cần phải triển khai sớm để có đường vào xây dựng sân bay.

Theo ông Nguyễn Khắc Phong, Trưởng ban điều hành dự án Sân bay Long Thành, hiện nay hồ sơ quy hoạch, mốc ranh giới của 2 tuyến đường kết nối đã được ACV bàn giao cho các sở, ban, ngành của tỉnh Đồng Nai. Do đó, ACV kiến nghị thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện cắm mốc quy hoạch 2 tuyến đường và làm mốc tọa độ quy hoạch, cập nhật vào phần mềm Đồng Nai lis (DNAILIS), phần mềm quản lý thông tin về đất đai của Sở Tài nguyên - môi trường để người dân biết và nắm về quy hoạch 2 dự án này.

Trong báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng Sân bay Long Thành, tuyến số 1 (dài 3,8km), kết nối trục chính Sân bay Long Thành (đầu phía Tây) với quốc lộ 51. Giai đoạn 1 tuyến này đầu tư với quy mô 6 làn xe. Việc thực hiện giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh (10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành), bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85-120m.

Tuyến số 2 (dài 3,5km), kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Hai tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác Sân bay Long Thành. Tuyến số 1 còn là đường công vụ chính để ra vào thi công giai đoạn 1 của dự án. Tổng chi phí dự kiến hơn 4,8 ngàn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Phong, Trưởng ban điều hành dự án Sân bay Long Thành cho biết, hiện Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã bàn giao tọa độ, ranh mốc 2 tuyến đường kết nối cho các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Nguồn vốn để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng 2 tuyến đường này sẽ lấy từ vốn của ACV để thực hiện.

Theo dự kiến, để phục vụ xây dựng 2 tuyến đường kết nối Sân bay Long Thành, Đồng Nai sẽ phải thực hiện thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với diện tích khoảng 136 hécta.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, đối với tuyến số 1, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Tài nguyên - môi trường đề nghị được áp dụng chính sách bồi thường giống với dự án Sân bay Long Thành. Trong khi đó, tuyến số 2 do nằm trùng trên dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nên đã được phê duyệt khung chính sách bồi thường từ năm 2017. Tuy nhiên, nếu áp dụng 2 chính sách đền bù khác nhau đối với 2 tuyến đường này sẽ rất khó thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, cần có sự tính toán, xem xét để thực hiện cùng một cơ chế đền bù khi thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 2 tuyến đường kết nối này.

* Thực hiện cơ chế bồi thường như sân bay

Trên thực tế, 2 tuyến đường kết nối thực chất là cùng một dự án đường vào sân bay, nên nếu việc khung chính sách bồi thường không giống nhau sẽ dễ phát sinh những khó khăn, vướng mắc nhất định trong công tác bồi thường.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, do UBND tỉnh đã có văn bản xin cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến số 1 được thực hiện giống như khung chính sách đối với dự án Sân bay Long Thành. Do đó, đối với tuyến đường số 2, các cơ quan chức năng cùng với UBND huyện Long Thành cũng xem xét, tính toán theo hướng áp dụng khung chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng như đối với dự án Sân bay Long Thành.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, do cả hai tuyến đường đều được xây dựng để phục vụ Sân bay Long Thành nên khi áp dụng cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng cần áp dụng chung cùng khung chính sách. Điều này sẽ tránh được tình trạng “1 dự án, 2 chính sách” dễ dẫn đến các khiếu nại về sau. Đồng thời, việc áp dụng chung khung chính sách giống như đối với dự án sân bay cũng sẽ giúp cho Đồng Nai thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng hai tuyến đường này. “Hai tuyến đường này hình thành để phục vụ Sân bay Long Thành nên tính toán theo hướng áp dụng khung chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng như đối với dự án Sân bay Long Thành là hợp lý nhất”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.