Dòng tiền đang chảy vào loại hình BĐS nào, đâu là thị trường đầu tư sáng giá?

Thị trường BĐS đang có những diễn biến trái chiều ở các phân khúc, có loại hình sụt giảm mạnh những cũng có nhiều bất động sản vẫn duy trì sức tăng trưởng cao và tiềm năng.

Vậy, đâu là những kênh đầu tư được đánh giá là vẫn còn hấp dẫn và thu hút dòng tiền của NĐT nhiều nhất trên thị trường.

Đất nền tỉnh: Nhu cầu và dòng tiền đổ về vẫn nhiều

Theo ghi nhận, từ đầu năm 2019 đến nay khi mà thị trường BĐS Tp.HCM có dấu hiệu chững lại cả ở nguồn cung lẫn giao dịch thì “điểm sáng” duy nhất của thị trường là BĐS tỉnh lân cận Tp.HCM đón mạnh dòng tiền từ phía doanh nghiệp và NĐT cá nhân. Những khu vực như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước…hay thậm chí xa hơn là Hậu Giang, Bến Tre, Cần Thơ… NĐT vẫn âm thâm “săn” đất nền, đặc biệt ở các dự án đã có pháp lý đầy đủ hoặc dự án quy mô lớn, được đầu tư mạnh tay về tiện ích nội khu.

Không thể phủ nhận, sức nóng của một số thị trường tỉnh giáp ranh tại Tp.HCM vẫn chưa giảm nhiệt trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, ở các thị trường đang đón sóng hạ tầng như sân bay, cầu, hoạt động gom đất nền vẫn âm thầm diễn ra ở nhiều loại hình BĐS khác nhau.

Theo báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, thời gian qua đất nền Thanh Hóa, Nghệ An... hay một số thị trường mới như Hòa Bình, Yên Bái, Lâm Đồng,… dành được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Điểm sáng của thị trường BĐS tỉnh trong quý 3/2019 hướng về tỉnh Thanh Hóa.

Thị trường nơi đây sôi động bởi các dự án khu đô thị và đấu giá đất nền với hàng nghìn tỉ đồng. Tỉ lệ hấp thụ đạt 90% , giá đất đấu giá dao động từ 3-10 triệu đồng/m2, giá đất đô thị thị rơi vào khoảng 8-10 triệu đồng/m2. Nghệ An cũng được dự báo là thị trường sôi động trong quý 4/2019 bởi việc phát triển các dự án tại đây đang diễn ra rất mạnh.

Theo quan điểm chung của các chuyên gia, doanh nghiệp, mặc dù thị trường BĐS đang giảm tốc nhưng nhu cầu và giá bán vẫn tăng. Trong đó, lợi nhuận có từ việc đầu tư đất nền vẫn khá ổn định. Đây được xem là phân khúc có tính ổn định cao ở biên lợi nhuận, đặc biệt ở các dự án có vị trí đẹp và pháp lý sạch. Quỹ đất sạch không còn nhiều và ngày càng trở nên đắt đỏ tại khu trung tâm chính là lý do buộc người dân phải ra khỏi thành phố để đầu tư. Và các tỉnh lân cận vô tình đón cơn sóng này.

BĐS du lịch ven biển: Tâm điểm dồn về thị trường mới như Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Ngãi…

Đây cũng là phân khúc BĐS được dự báo sẽ kênh đầu tư sáng giá cho NĐT trong giai đoạn sắp tới.

Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong quý 3/2019, nguồn cung condotel tiếp tục giảm mạnh nhưng tỉ lệ hấp thụ có chiều hướng gia tăng cao ở một số thị trường đang phát triển hiện nay như Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam…

Trong khi một số thị trường condotel bùng nổ mạnh mẽ thời gian trước như Quảng Ninh, Đà Nẵng và Nha Trang, Phú Quốc đi vào trầm lắng thì điểm sáng của thị trường này đang đến từ các thị trường đang có dấu hiệu phát triển hiện nay như Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam. Hầu hết các dự án condotel tiêu thụ tốt được đầu tư bởi các CĐT uy tín và nhiều kinh nghiệm.

Nhiều chủ đầu tư BĐS lớn như Novaland, Sungroup, Vingroup, DRH, Hưng Thịnh… bắt đầu cũng tấn công các thị trường mới nổi với các dự án quy mô lớn. Làn sóng này dần lan sang các NĐT cá nhân khi nhận thấy rõ tiềm năng sinh lợi từ phân khúc này ở thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng về giá.

Dòng tiền đang chảy vào loại hình BĐS nào, đâu là thị trường đầu tư sáng giá? - Ảnh 3.

 

Trong khi đó, BĐS du lịch biển cũng được dự báo hấp dẫn giới đầu tư trong giai đoạn tới

 

 

Dự báo của các đơn vị nghiên cứu, trong những tháng cuối năm 2019, nguồn cung mới condotel có dấu hiệu giảm nhẹ trong khi biệt thự biển có thể sẽ tăng. Các dự án đa phần tập trung ở thị trường Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Intergrated Resort) nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng, trong đó loại hình nhà phố/shophouse được thị trường đón nhận khá tốt.

Theo đại diện Công ty CP Gia Hưng Land, trong năm vừa qua đến hiện tại thì các thị trường như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc tăng giá rất ít do nguồn cung quá nhiều dẫn đến tình trạng bão hoà, phần do tính pháp lý của condotel chưa ổn nên cũng ảnh hưởng rất nhiều. Trong khi đó, Bình Định và Bình Thuận là 2 thị trường mới nổi có sự tăng giá đáng kể trong vòng 6 tháng qua. Đặc biệt là thị trường Mũi Né Phan Thiết tăng rất nhiều do có 2 yếu tố Sân bay và cao tốc.

Quả thực, trong suốt thời gian qua, BĐS du lịch ven biển tại các thị trường như Quy Nhơn, Bình Thuận, Bà Rịa… có sự tăng trưởng giá ấn tượng. Chẳng hạn, Quy Nhơn ghi nhận tăng mạnh nhất từ 40-60%/năm; phía Nam Bình Thuận như Hàm Tân, Lagi; Bắc Bà Rịa như Bình Châu giá tăng trưởng khoảng 20-30%/năm.

Khu vực Long Hải, Long Điền, Bà Rịa tăng khoảng 70%. Khu vực Cam Ranh, Phan Rang, một số nơi ở Phan Thiết như Thiện Nghiệp, Lagi, Tiến Thành giá tăng đến 150%. Riêng Đà Nẵng, Nha Trang trước đó đã tăng mạnh nên khoảng thời gian này chỉ tăng nhẹ 20-30%/năm.

Theo ghi nhận, tình hình mua bán hiện tại so với thời điểm sốt nóng năm 2017- 2018 có phần hạ nhiệt chứ không hoàn toàn “tắt hẳn”. Các dự án có hạ tầng và sổ hồng, giá vẫn biến động tăng ít nhất 20-25% trong vòng 1 năm.

Dòng tiền đang chảy vào loại hình BĐS nào, đâu là thị trường đầu tư sáng giá? - Ảnh 1.

 

Đất nền vẫn là kênh lựa chọn của nhiều NĐT trong thời gian tới

 

 

Theo nhận định của đại diện DKRA Việt Nam, trong những tháng cuối năm 2019, đất nền vẫn tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu, đồng thời sẽ tiếp tục duy trì sự khan hiếm trong thời gian sắp tới.

Còn theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup, một sản phẩm đang thu hút sự quan tâm lớn là đất nền tại các tỉnh lân cận Tp.HCM. Sự sôi động đất nền vùng ven là hợp lý vì tính “nóng lạnh” của thị trường có hiệu ứng vết dầu loang. Khi mà thị trường BĐS bước vào giai đoạn cuối chu kỳ thì dòng tiền thường đổ về vùng ven và đất nền lên giá.

Theo ông Hưng, thực tế đất nền tăng giá do nhu cầu tăng cao và dòng vốn đổ về rất nhiều. Nhiều NĐT bỏ tiền vào đây bởi vì kỳ vọng tăng giá và tỷ suất sinh lời cao hơn các phân khúc khác. Tuy đây là kênh đầu tư thú vị nhưng theo ông Hưng, để đạt mức lợi nhuận cao thì NĐT phải chấp nhận chôn vốn lâu dài.

Tại sự kiện mới đây, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tổ chức Triển lãm quốc tế xây dựng Vietbuild cũng nhấn mạnh, nhìn chung thị trường BĐS cả nước đang chậm lại so với năm ngoái nhưng với những dự án đã hình thành, xây dựng tốt, sức mua vẫn khá tốt, đến chủ yếu từ nhu cầu ở thực. Trong khi hoạt động đầu tư, lướt sóng mang tính tức thời đang giảm đi rõ nét.

Cũng theo ông Hùng, BĐS hiện đang có điểm sáng là một số thị trường “mới tinh” như Yên Bái, Lào Cai, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai… đang có dấu hiệu phát triển về hạ tầng khiến thị trường nhà ở cũng phát triển theo. Trong đó, dòng sản phẩm chủ đạo ở các thị trường này vẫn là đất nền, với giá dao động từ 3-10 triệu đồng/m2.

Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, hoạt động tìm kiếm đất dự án vẫn sôi nổi trên thị trường. Với sự khan hiếm quỹ đất tại trung tâm, các nhà phát triển dự án đang tìm kiếm quỹ đất vùng rìa Tp.HCM và các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An….

Dòng tiền đang chảy vào loại hình BĐS nào, đâu là thị trường đầu tư sáng giá? - Ảnh 2.

 

Trong đó, "sóng" đang lan về các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An