Diện mạo BĐS tương lai vùng ven Sài Gòn

Năm 2017, thị trường chứng kiến bất động sản ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An… tạo sức nóng lan tỏa trên diện rộng cả về thanh khoản lẫn giá cả. Năm 2018, thị trường này sẽ ra sao là câu chuyện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.


Sức nóng lan trên diện rộng

Thị trường bất động sản vùng ven 2017, trong đó chủ yếu là phân khúc đất nền, nhà phố, được xem là một năm khá thành công của các chủ đầu tư, khi hầu hết các dự án tung ra thị trường đều có kết quả bán hàng khá tốt.

Sức nóng của thị trường đất nền các tỉnh lân cận khởi phát từ sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường đất nền các quận, huyện vùng ven của TP.HCM. Tại khu vực phía Đông , Bắc TP.HCM như quận 9, quận Thủ Đức, quận 12 theo khảo sát của các sàn giao dịch bất động sản, trong năm 2017, mức giá đất nền đã tăng trung bình từ 30 - 40% so với cuối năm 2016.

Cá biệt, có những dự án mức giá đã tăng lên 70%. Sức nóng của các quận, huyện ven TP.HCM đã lan trên diện rộng sang các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, đặc biệt là những khu vực giáp ranh với TP.HCM có kết nối hạ tầng tốt.

Tại thị trường Đồng Nai, qua thực tế ghi nhận giá đất tại Nhơn Trạch, Long Thành đã tăng từ 20 - 30% so với cuối năm 2016.

Sức nóng sẽ còn lan tỏa?

Có một điểm khá đặc biệt của thị trường đất nền vùng ven là phần lớn khách hàng mua bất động sản khu vực này đều đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

Theo khảo sát cho thấy, sự khác biệt của thị trường bất động sản vùng ven thời gian qua so với trước đây là, thay vì chủ yếu mua để đầu tư thì phần lớn khách hàng mua đất gần đây có nhu cầu ở. Tại dự án này, đã có khá nhiều căn nhà mọc lên và cư dân bắt đầu chuyển về sinh sống.

Nhìn quy mô toàn thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM có xu thế  hướng ra vùng ven rất rõ nét. Lý do là hiện quỹ đất ở khu vực trung tâm không còn nhiều. Trong khi đó, TP.HCM đã đưa ra chính sách siết chặt cấp phép xây dựng dự án bất động sản ở khu trung tâm để đẩy mạnh chương trình giãn dân, nên các doanh nghiệp sẽ phải dịch chuyển ra ngoại ô để phát triển dự án.

"Quy mô thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính của Thành phố và đã có tính lan tỏa trong ‘Vùng TP.HCM’, nhất là tại tỉnh giáp ranh Thành phố như Bình Dương, Long An, Đồng Nai...", ông Châu nhấn mạnh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu nhằm phát triển Vùng TP.HCM trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới chuẩn mực quốc tế; phát triển Vùng TP.HCM trở thành vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thương mại - tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ; trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao; trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.

Việc phát triển không gian vùng theo hướng cân bằng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Trong đó, TP.HCM là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực.

Theo quy hoạch, phạm vi Vùng TP.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2. Dự báo đến năm 2030, dân số khoảng 24 - 25 triệu người; trong đó dân số đô thị khoảng 18 - 19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6 - 7 triệu người; khoảng 18 - 19 triệu lao động. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 75%.

Theo định hướng phát triển không gian vùng, tiểu vùng đô thị trung tâm có vị trí trung tâm của toàn vùng, có tốc độ và tỷ lệ đô thị hoá cao; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đào tạo, y tế, đầu mối giao thương kết nối với quốc tế. Phát triển không gian về phía Đông và Đông Bắc, xây dựng mô hình đô thị nén và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Trong đó, TP.HCM với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển; là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hoá, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.

Theo phân tích của các chuyên gia, với những gì đang diễn ra, dự báo xu hướng phát triển của bất động sản vùng ven sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới và không chỉ với các tỉnh giáp ranh của TP.HCM mà khả năng sẽ còn lan tỏa sang nhiều khu vực khác.