Câu hỏi nóng ! Sau dịch, liệu khách hàng có "bung tiền" mua nhà đất ?

Thời gian vừa qua, khi dịch diễn biến phức tạp, mọi hoạt động liên quan đến mở bán dự án tập trung đã bị dừng lại. Việc loạt doanh nghiệp BĐS cho nhân viên sales làm việc, bán hàng, chào khách mua BĐS bằng hình thức online cũng không mấy hiệu quả.

Trong đó, những khách hàng giữ tiền tích lũy thì không dám bung ra mua BĐS vì tâm lý giữ tiền mặt mùa dịch, nên dường như suốt thời gian qua thị trường BĐS không tìm ra khách hàng. Có chăng những giao dịch diễn ra trong mùa dịch chủ yếu ở các sản phẩm đất nền có sổ, căn hộ giá vừa túi tiền. Điều quan tâm của các doanh nghiệp, môi giới BĐS hiện nay là sau thời điểm dịch tạm ổn thì khách hàng đã quay trở lại thị trường ngay hay còn tâm lý e dè với việc “xuống tiền” mua nhà đất. Đến bao giờ mới là thời điểm mà giao dịch BĐS ổn định trở lại.

Trả lời về vấn đề này, một chuyên gia BĐS trong ngành cho rằng, có thể mất khoảng 6 tháng để thị trường quay trở lại nhịp độ bình thường nếu hết dịch. Điều đó có nghĩa là khách hàng sẽ quay lại thị trường lẻ tẻ chứ không ồ ạt. Sau dịch, tâm lý của khách mua để đầu tư sẽ thận trọng dòng tiền hơn, sẽ chỉ tìm kiếm các dự án BĐS có pháp lý đầy đủ, quy hoạch rõ ràng.

Đối với người mua ở thực, thực tế đã tham gia lẻ tẻ vào thị trường trong thời điểm dịch, sau dịch có thể đi tìm hiểu nhà đất nhiều hơn ở các khu vực có mức độ chững giá lại. Theo vị chuyên gia này, sau dịch có thể hoạt động mua bán nhà đất ở đối tượng người mua ở thực sẽ khả quan hơn người mua đầu tư. Có nghĩa là thị trường không nên quá kì vọng vào việc là dòng tiền của NĐT sẽ ồ ạt chảy vào thị trường sau thời điểm dịch.

 

Sau dịch, liệu khách hàng có bung tiền mua nhà đất?

 

Có thể sẽ phải cần thêm thời gian để khách hàng sẵn sàng với thị trường BĐS

Ngoài ra, việc chào bán sản phẩm của các doanh nghiệp BĐS cũng dựa vào lượng khách quan tâm đến dự án trước đó. Đa số các doanh nghiệp đều cho biết, vì dịch lượng khách hàng quan tâm đến dự án rất ít. Thậm chí chạy marketing online thời gian dài không có một khách hàng quan tâm dự án. Vì thế, có thể sau dịch sẽ mất một khoảng thời gian để khách mua tìm hiểu thêm dự án cũng như “chịu” đi xem BĐS hay không.

Một Trưởng phòng kinh doanh Công ty BĐS tại Tp.HCM cho biết, khoảng 3 tháng nay giao dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay, đỉnh điểm cuối tháng 3 đến nay không có giao dịch nào phát sinh mặc dù nhân viên kinh doanh chào khách bằng hình thức online, cellphone…liên tục. Khi được hỏi, khi nào thì việc bán hàng mới trở lại bình thường, đại diện sàn này cho hay, điều này rất khó nói bởi vì trong bối cảnh thị trường mà nhiều khách hàng còn tâm lý giữ tiền thì không thể dự đoán được chính xác thời điểm họ quay trở lại thị trường.

Nhưng có thể phải đến thời điểm cuối năm khi mà tình hình dịch bệnh hết hẳn, có thể NĐT sẽ tìm cơ hội để chốt lời vào năm sau. Cũng theo vị Trưởng phòng này, thường sau thời điểm Tết là lúc sức mua nhà đất tốt nhất, nhưng do năm nay dịch bệnh nên đảo lộn mọi thứ. Thị trường có thể lùi lại sau mùa mưa, dòng tiền của người mua có thể chuyển đến cuối năm nay.

Tuy vậy, cũng có một số phân khúc như căn hộ trên dưới 2 tỉ đồng/căn, đất nền ven Tp.HCM giá hợp lý, người mua vẫn "xuống tiền" trong mùa dịch, dù giao dịch giảm hơn so với trước. Dự báo có thể sau dịch loại hình này vẫn được quan tâm hơn các phân khúc giá cao trên thị trường. Khoảng cuối tháng 3/2020, đại diện Phú Đông Group cho biết, tình hình chung thu nhập người lao động bị giảm, nên họ đang rất lo sắp đến thời gian bàn giao không có tiền nhận nhà.

Đến thời điểm hiện tại bên doanh nghiệp còn khoảng 10% là lượng khách đầu tư bán ra, còn 90% là khách mua ở thực. 10% đối tượng khách này cũng đang tìm khách bán trước thời gian giao nhà. Để kích cầu thì đơn vị này vẫn duy trì công tác quảng cáo để hỗ trợ cho khách hàng bán chuyển nhượng. Một tuần giao dịch cũng được 3-5 căn. Riêng trong tháng 2/2020 thì một tuần giao dịch 8-12 căn. Do đây là phân khúc căn hộ giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu ở thực nên vẫn có giao dịch diễn ra trong mùa dịch.

Tương tự, đại diện một sàn BĐS huyện Nhơn Trạch cho hay, dù giao dịch chậm rõ nét vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng trong tháng 3 sàn vẫn bán được 11 nền đất, trong đó hầu hết là đất đã có sổ sách. Người mua chủ yếu là NĐT có dòng tiền nhàn rỗi, muốn tìm kiếm BĐS độ an toàn cao.

Ông Huỳnh Ngọc Châu, Tổng giám đốc Á Châu Land cho rằng, về phần khách hàng vẫn sẽ còn lưỡng lự việc xuống tiền sau thời gian hết dịch. Tuy vậy, vẫn có lượng khách hàng trong thời gian qua theo dõi và nắm bắt thông tin thị trường sẽ có những quyết sách đầu tư riêng và có thể sẵn sàng xuống tiền trong giai đoạn này đối với các sản phẩm tốt và pháp lý sạch. “Tôi thấy, bên hệ thống mà doanh nghiệp đang hợp tác và sản phẩm đang phân phối trong giai đoạn vừa qua vẫn có giao dịch, tuy không nhiều. Và khoảng 3-5 ngay vừa qua có sự gia tăng hơn”, ông Châu cho biết.

Theo ông Châu, để thị trường BĐS quay trở lại nhịp độ bình thường thì còn phụ thuộc phần lớn vào sức khỏe nền kinh tế, chính trị. Có thể thị trường quý 3/2020 sẽ hồi phục dần, mua bán phần nào trở lại.

Theo ghi nhận, mặc dù nguồn cung dự báo tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới nhưng việc giao dịch thành công sản phẩm ở bối cảnh hiện nay không phải điều dễ dàng khi mà suốt thời gian dài niềm tin của khách hàng với thị trường BĐS phần nào đã bị lung lay. Theo ý kiến những người trong cuộc, dịch bệnh không chỉ thử thách độ bền của doanh nghiệp BĐS mà còn “thử” luôn niềm tin của người mua nhà vào thị trường BĐS. Khi mà sau thời điểm trong và sau dịch có thể họ sẽ tìm kiếm được những sản phẩm đúng giá trị thực- những sản phẩm mà có thể trước đó họ phải mua vào với giá cao hoặc không biết đâu là khung giá chính xác.

Dành lời khuyên cho người mua, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho rằng, với nhà đầu tư có rất nhiều sự lựa chọn trong trong tình hình này và nên có quan điểm, chiến lược đầu tư mang tính chất trung và dài hạn. Nên lựa chọn sản phẩm chất lượng của những nhà phát triển có uy tín, có bề dày kinh nghiệm, có sản phẩm đối chứng,… Về chiến thuật, thì nên đầu tư ở các thị trường có nhiều lợi thế phát triển ổn định. Tránh tình trạng đầu tư vào các loại hình sản phẩm giá rẻ, không an toàn, thiếu tính bền vững.

Theo báo Tri Thức Trẻ