Đồng Nai đã chính thức đưa ra các phương án để xây dựng cầu thay phà Cát Lái nối quận 2, TP.Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch.
|
Hiện nay lưu thông trực tiếp từ TP.Hồ Chí Minh vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch và ngược lại phải thông qua phà Cát Lái nên mất rất nhiều thời gian, chi phí. Ảnh: P.Tùng |
Sau khi thống nhất các phương án, Đồng Nai sẽ tiếp tục làm việc với TP.Hồ Chí Minh để lựa chọn phương án chính thức xây dựng cầu Cát Lái.
* 2 phương án, 3 sự lựa chọn
Theo Sở Giao thông- vận tải (GT-VT), tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái. Sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã làm việc với các sở, ngành của TP.Hồ Chí Minh để thống nhất các nội dung liên quan đến dự án.
Tại lần làm việc đầu tiên với Sở GT- VT TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai chỉ đưa ra một phương án vị trí theo hồ sơ bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5-2017. Tuy nhiên, do lo ngại mật độ giao thông cao cũng như phải điều chỉnh quy mô đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2, nên các cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh chưa đồng thuận với phương án này.
“Đường Nguyễn Thị Định đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch 3 lần. Do đó, nếu tiếp tục điều chỉnh thêm lần thứ 4 để kết nối với cầu Cát Lái thì rất khó khăn nên phía TP.Hồ Chí Minh đề nghị có thêm phương án mới” - ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT- VT cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu Sở GT-VT hoàn thiện hồ sơ, cuối tháng 2-2020 trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét các phương án xây cầu Cát Lái. Sau đó, tỉnh Đồng Nai sẽ họp bàn với TP.Hồ Chí Minh để thống nhất các vấn đề liên quan đến dự án.
|
Từ đề nghị của các cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh, Sở GT-VT và Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GT-VT phía Nam đã nghiên cứu 2 phương án và đề xuất vị trí xây cầu Cát Lái.
Cụ thể, phương án vị trí 1 (theo hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5-2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi Cảng Cát Lái.
Đối với phương án 2, vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng Trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi Cảng Cát Lái.
Trong cả 2 phương án vị trí này, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng với 2 quy mô mặt cắt ngang cầu gồm 6 làn xe (tương ứng rộng 27m) và 8 làn xe (tương ứng rộng 35m).
Tuy nhiên, hiện nay cả 2 phương án này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ phía cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh. Bởi nếu theo 2 phương án này, TP.Hồ Chí Minh sẽ gặp khó khăn khi phải thực hiện điều chỉnh quy mô đường Nguyễn Thị Định; việc kết nối cầu với các tuyến đường gây nguy cơ ùn tắc giao thông.
Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu Sở GT-VT bổ sung giải pháp cầu có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe vào phương án vị trí 1 để xem xét. Bởi trong hiện tại và tương lai, tại khu vực này, xe container, xe tải nặng đã có nhiều đường lưu thông như: cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, vành đai 3. Do đó, cầu Cát Lái sẽ không có nhu cầu quá lớn đối với các xe có tải trọng lớn nên có thể thiết kế để phục vụ cho xe máy và xe ô tô hạng nhẹ từ 9 chỗ trở xuống.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu Sở GT-VT nghiên cứu hoàn thiện 2 phương án với 3 sự lựa chọn gồm cầu 4 làn xe và 8 làn xe cho phương án vị trí 1 và cầu 6 làn xe cho phương án vị trí 2. “Quan điểm của Đồng Nai là để TP.Hồ Chí Minh lựa chọn phương án và vị trí xây cầu. TP.Hồ Chí Minh đồng ý phương án nào, Đồng Nai sẽ thực hiện theo phương án đó” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Định vị quỹ đất phục vụ dự án
Theo phương án mà UBND tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, dự án xây dựng cầu Cát Lái sẽ được chia tách ra làm 3 dự án thành phần gồm: phần đường dẫn phía TP.Hồ Chí Minh được giao cho UBND TP.Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT; phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức BOT.
Đối với phần cầu chính, trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo tính toán, với các phương án xây dựng, cầu Cát Lái có tổng mức đầu tư từ 7,2 ngàn đến khoảng 9 ngàn tỷ đồng. Do đó, việc tính toán nguồn vốn cho dự án hiện cũng đang được xem xét kỹ.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho hay, hiện quỹ đất để tạo vốn cho dự án trên địa bàn huyện còn khá lớn. “Qua rà soát, hiện còn khoảng 4 ngàn hécta đất có thể tạo vốn cho dự án” - ông Nguyễn Tấn Phong cho biết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc xây dựng cầu Cát Lái là rất cần thiết. Dự án giúp kết nối giao thông trực tiếp giữa đô thị Nhơn Trạch với quận 2, TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời kết nối các tuyến cao tốc và hệ thống cảng sông, cảng biển... tạo điều kiện để đô thị mới Nhơn Trạch phát triển. Do đó, để tạo vốn cho dự án, UBND huyện Nhơn Trạch cần sớm định vị chính xác quỹ đất để có phương án sử dụng phù hợp, nâng cao giá trị đất. “Không thể chủ quan, cứ nghĩ có quỹ đất lớn là đủ. Cần định vị chính xác, có phương án nâng cao giá trị quỹ đất khi cầu được xây dựng” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu.