1. Nhân khẩu học vàng
Cơ cấu nhân khẩu học vàng và triển vọng kinh tế khả quan là những nhân tố thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường nhà ở Việt Nam. Trong đó, Tp.HCM hiện đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn tầm khu vực.
Với nguồn cầu nhà ở mạnh mẽ, thị trường căn hộ sẽ có rất nhiều động lực phát triển, đặc biệt là phân khúc cao cấp nhận được sự quan tâm lớn của tầng lớp siêu giàu trong nước và khu vực. Tầng lớp trung lưu mới nổi cũng có những tác động tích cực đối với thị trường nhà ở tại đô thị triệu dân này. Những tín hiệu tích cực khác như nguồn vốn dồi dào, chủ đầu tư nước ngoài gia tăng, chính sách vĩ mô phù hợp, giúp thị trường nhà ở tại Tp.HCM lạc quan trong triển vọng tăng trưởng.
2. Tốc độ đô thị hóa nhanh
Việt Nam hiện đang có chỉ số tỷ lệ đô thị hoá thấp nhất trong khi tốc độ đô thị hóa lại cao nhất nên vẫn có chỗ cho sự tăng trưởng đô thị hóa và thúc đẩy sự phát triển phân khúc nhà ở. Hiện một số nước trong khu vực như Trung Quốc và Mã Lai đang có tỷ lệ đô thị hóa đạt lần lượt 58% và 75%, cách một khoảng khá xa so với Việt Nam. Do đó Việt Nam được dự đoán có tiềm năng mạnh mẽ, đặc biệt là các đô thị lớn như Tp.HCM và Hà Nội.
3. Khu Đông hứa hẹn trở thành đô thị 4.0
Thị trường bất động sản Tp.HCM có nhiều tiềm năng để phát
triển mạnh mẽ. Ảnh: Trần Quỳnh
Báo cáo đầu tư của Savills châu Á Thái Bình Dương, cho thấy trong quý III vừa qua, Việt Nam vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà phát triển bất động sản. Trong đó, các nhà đầu tư rất quan tâm khu Đông của Tp.HCM, đây sẽ là địa bàn đầy tiềm năng với cơ sở hạ tầng vững mạnh, nhất là khi TP đặt quyết tâm quy hoạch Tp.HCM thành khu đô thị 4.0 (đô thị thông minh).
Một trong những ông lớn ngoại đổ mạnh tiền vào thị trường Tp.HCM là CapitaLand khi hồi tháng 8/2018 đã chính thức triển khai dự án nhà ở thứ 13 tại Việt Nam thông qua việc mua lại vị trí đắc địa ở quận 2. Thương vụ có giá trị khoảng 60 triệu USD. Dự án thực hiện trên khu đất 60.000 m2 này sẽ cung cấp cho thị trường hơn 100 sản phẩm vào năm 2021.
Trước đó, hồi đầu tháng 7, Frasers Property cũng thông báo mua 75% cổ phần trong một dự án phức hợp nhà ở - thương mại tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức với giá hơn 34 triệu USD. Cùng thời gian này, giai đoạn 1 của dự án nhà ở 90 ha tại quận 9 cũng được một nhà phát triển nội địa chuyên địa bàn khu Đông chuyển giao cho một nhà đầu tư Việt Nam. Tổng trị giá của thương vụ này vào khoảng 12,4 triệu USD.
Có thể thấy, trong vòng 10 năm qua, thị trường bất động sản có xu hướng tăng mạnh về giá bán. Các dự án mới ra đời có chất lượng tốt hơn, trong bối cảnh thu nhập bình quân tăng cao hơn, và ngân hàng tung ra các gói tài chính tốt... đã tạo điều kiện giúp thị trường thay đổi tích cực.
CEO Savills đánh giá, việc chính quyền Tp.HCM đã công bố giới hạn về việc phát triển dự án đăng ký mới trong kế hoạch phát triển nhà ở tới năm 2020, sẽ ít nhiều khiến nguồn cung mới sụt giảm. Tuy nhiên, những dự án phát triển đã được phê duyệt và trong quy hoạch vẫn sẽ tiếp tục được xử lý triển khai, do đó nếu quy trình quy hoạch được thực hiện trôi chảy thì vẫn đảm bảo nguồn cung nhà ở tương lai ổn định.